Một nông dân giỏi Sóc Trăng trồng cây mãng cầu xiêm mỗi năm gần 1 tỷ đồng

Gia đình ông Dương Minh Triệu rất khó khăn, phải lên thành phố Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống. Từ khi thấy được hiệu quả của cây mãng cầu gai trên vùng đất nhiễm phèn xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, ông đã về quê cải tạo vườn tạp và trồng loại cây này, rồi chăn nuôi thêm, nhờ đó kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Ông còn là hội viên nông dân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh.

Nông dân Dương Minh Triệu – Làm kinh tế giỏi cũng là cách làm theo Bác.

Với 1ha đất trũng phèn được cải tạo, ông Triệu trồng 600 gốc mãng cầu gai, hiện vườn cây đã trên 5 năm tuổi, mỗi năm 1 cây cho trái trên 100kg. Ông thu hoạch rồi chở lên vựa ở thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ, nên giá lúc nào cũng cao hơn ở địa phương. Nhờ đó mà thu nhập của gia đình mỗi năm gần 1 tỉ đồng. Ông cho biết: “Trồng mãng cầu gai không cực lắm, nhưng người trồng phải siêng làm bông, thụ phấn cho trái. Hiện nay, trung bình 1 gốc mãng cầu tôi thu hoạch được trên 1 triệu đồng/năm. Theo tôi, đây là mô hình giúp nông dân vươn lên thoát nghèo rất hiệu quả”.

Ông Triệu là hội viên nông dân rất nhiệt tình trong giúp đỡ những hội viên khác về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm để trồng mãng cầu thoát nghèo. Không chỉ thu nhập từ bán trái mãng cầu, gia đình ông còn làm trà mãng cầu và đang đăng ký thương hiệu độc quyền. Nhờ đó đã tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động ở địa phương.

Từ khi Hội Nông dân xã Vĩnh Quới phát động “Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh”, ông Triệu luôn đi đầu trong các hoạt động của Hội. Tham dự các cuộc hội thảo, nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, giúp ông sản xuất ngày càng hiệu quả hơn. Ông Lê Thanh Điển, Chủ tịch Hội Nông dẫn xã Vĩnh Quới, nhận xét: “Không chỉ tích lũy kinh nghiệm sản xuất để làm giàu cho gia đình, mà ông Triệu luôn tận tình chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên nông dân cách trồng cây đạt hiệu quả. Nếu hội viên nào quá khó khăn thì ông sẵn sàng giúp cây giống, hướng dẫn cách chấm bông, chăm sóc trái… để anh em vươn lên thoát nghèo”.

Mô hình của ông Dương Minh Triệu đã góp phần cùng địa phương trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ được ông chia sẻ kinh nghiệm đã sản xuất rất hiệu quả, giúp tăng thu nhập gia đình. Sự cần cù, sáng tạo trong lao động của ông là cách làm theo Bác thiết thực nhất./.

 Thanh Tuyền